Thời gian qua, trên báo chí, các trang mạng xã hội đăng tải rất nhiều thông tin về vụ án trộm cây gỗ khô liên quan đến 05 bị can có hành vi vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa cây gỗ khô với tiêu đề giật tít “Cưa cây khô bị phạm tội trộm cắp”. Vụ án được nhiều người quan tâm, một số tờ báo và một số Luật sư tham gia tranh luận với quan điểm thiên về việc cho rằng các bị cáo không phạm tội.
Vụ án tưởng chừng như phức tạp vì phải xét xử nhiều lần ở nhiều cấp khác nhau. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, các chuyên gia pháp lý, những người tiến hành tố tụng và đông đảo giới Luật sư có nhiều quan điểm pháp luật trái chiều, liệu rằng các bị can trong vụ án không có tội và chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, hay tất cả đều phạm tội trộm cấp tài sản, hay một tội danh nào khác liên quan đến khai thác và bảo vệ rừng. Vụ án bị phức tạp hóa do chưa xác định đúng bốn yếu tố cấu thành của tội trộm cắp tài sản, đặc biệt trong vụ án này là mặt khách thể và khách quan của tội phạm.
Kính thưa các Quý Lãnh đạo, căn cứ vào diễn biến của vụ án và trên cơ sở xem xét toàn diện những quy định pháp luật có liên quan thì Quyết định kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo hướng hủy Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đã xét xử các bị cáo không có tội, giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Đắk Hà tuyên xử các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản là hoàn toàn có căn cứ, bởi các lẽ sau:
Trước hết, theo hồ sơ vụ án, rừng Đắk Uy là rừng tự nhiên (là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung), thuộc loại rừng đặc dụng (dựa theo cách phân loại được quy định tại Khoản 6 Điều 2, Khoản 1 Điều 5 Luật Lâm nghiệp). Rừng tự nhiên là rừng thuộc sở hữu toàn dân (Khái niệm sở hữu toàn dân theo Điều 197 Bộ luật Dân sự), do nhà nước đại diện chủ sở hữu (Điểm a Khoản 1 Điều 7 Luật Lâm nghiệp). Như vậy, rừng Đắk Uy là rừng đang do Nhà nước quản lý, mà trực tiếp là Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum (Căn cứ Quyết định số 61/2014/QĐ-UBND ngày 03/11/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum).
Theo Khoản 3 Điều 2 Luật Lâm nghiệp quy định: “Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên”. Trong đó, hệ sinh thái là hệ thống các quần thể sinh vật sống chung và phát triển trong một môi trường nhất định, quan hệ tương tác với nhau và với môi trường đó, bao gồm các thành phần vô sinh như đất đá, nước; sinh vật sản xuất là thực vật; sinh vật tiêu thụ gồm có động vật ăn thực vật và động vật ăn thịt; sinh vật phân giải như vi khuẩn, nấm.
Như vậy, thực vật rừng (là thành tố của hệ sinh thái cấu tạo nên rừng) để thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Lâm nghiệp phải là thực vật rừng đang sinh sống và phát triển (hay nói cách khác phải là những cá thể sống) trong một môi trường nhất định tạo thành các quần thể sinh vật. Do đó, cây gỗ trắc trong rừng đặc dụng Đắk Uy được xác định là đã chết khô trong vụ án nêu trên không còn là thực vật thực thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Lâm nghiệp (luật chuyên ngành) nữa, mà thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, cụ thể là chế định về tài sản. Do đó, cây gỗ trắc chết khô trong vụ án này không phải là đối tượng (khách thể) được bảo vệ theo Điều 175 Bộ luật Hình sự, nếu xâm phạm tài sản thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật tương ứng quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến vụ án, các bị can được xác định không phải là chủ rừng (Căn cứ Điều 8 Luật Lâm nghiệp), đã có hành vi vào rừng đặc dụng Đắk Uy chiếm đoạt cây gỗ trắc, chiếm đoạt một cách lén lút và che giấu đối với chủ sở hữu rừng. Hành vi của các bị can đã thỏa mãn mặt khách quan trong cấu thành của tội trộm cắp tài sản. Bên cạnh đó, khúc gỗ trắc các bị can thực tế đã chiếm đoạt là 0,123m3, sau khi Cơ quan tiến hành tố tụng định giá và định giá lại thì xác định tài sản bị chiếm đoạt có giá trị hơn 19 triệu đồng, là đủ định lượng của tội trộm cắp tài sản.
Theo quy định tại Điều 1, 2 Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định về Phạm vi điều chỉnh và Đối tượng bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định này thuộc lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, đây là văn bản hướng dẫn luật chuyên ngành thuộc lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, đối với hành vi khai thác rừng đặc dụng trái phép với gỗ thuộc loài nguy cấp quý, hiếm nhóm II A (trong đó có gỗ trắc) thì bị phạt tiền từ 02 đến 08 triệu đồng nếu khai thác trái phép dưới 0,3m3 (Khoản 3 Điều 12 Nghị định 157/2013/NĐ-CP). Còn cây gỗ trắc đã chết khô thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật chuyên ngành là Luật Lâm nghiệp (như đã phân tích ở trên). Như vậy, hành vi chiếm đoạt cây gỗ trắc của các bị can trong vụ án không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 157/2013/NĐ-CP, và cũng không phạm tội “Khai thác trái phép cây rừng” theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự, nếu đủ yếu tố định lượng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự các tội tương ứng của chế định Tội xâm phạm sở hữu. Tương tự như vậy, Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC là văn bản hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản nên hành vi chiếm đoạt cây gỗ trắc đã chết khô không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này.
Bên cạnh đó, việc cho rằng Tài sản – đối tượng của Tội xâm phạm sở hữu tài sản phải là tài sản do sức lao động của con người tạo ra là không có căn cứ vì không có quy định pháp luật nào quy định như vậy, đây chỉ là lý luận khoa học. Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 thì Tài sản được định nghĩa mang tính chất liệt kê, theo đó: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Tài sản đáp ứng được nhu cầu của con người có đặc trưng giá trị và trở thành đối tượng của giao lưu dân sự. Tài sản có thể là tài sản có sẵn trong tự nhiên mà không bắt buộc phải do con người lao động, sản xuất tạo ra. Do vậy, việc cho rằng việc chiếm đoạt cây gỗ trắc trong rừng đặc dụng Đắk Uy trong vụ án nêu trên khi còn sống “là cây mọc tự nhiên trong rừng, không một ai tác động để tạo nên cây này và không phải do quan hệ dân sự chuyển giao mà có nên không thể xem là đối tượng của tội Trộm cắp tài sản” là không có căn cứ. Tương tự như vậy, theo thông lệ quốc tế việc đánh bắt cá trong môi trường biển tự nhiên (không phải do lao động, sản xuất tạo ra) thuộc phạm vi chủ quyền của các nước khác, nếu bị bắt thì vẫn bị xử lý về tội Trộm cắp tài sản.
Từ những phân tích nêu trên, một lần nữa khẳng định, việc xét xử các bị cáo trong vụ chiếm đoạt cây gỗ trắc nêu trên đã cấu thành tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự, do vậy việc kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao là hoàn toàn có cơ sở. Kính đề nghị Quý Lãnh đạo quan tâm xem xét.
Chân thành cảm ơn!


Fanpage: https://www.facebook.com/profile.php?id=100088211454802
Bài viết liên quan: https://vplsphamquochung.com/category/cong-viec-dam-nhan/tranh-tung/hinh-su/