Văn Phòng Luật Sư (VPLS) Phạm Quốc Hưng

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHẠM QUỐC HƯNG

386/3D Lê Văn Sỹ, P.14, Quận 3, TP HCM

VÌ MỘT NỀN CÔNG LÝ NGÀY CÀNG SÁNG TỎ

Phiên tòa công khai. Tại sao ghi âm, ghi hình phải xin phép?

Ghi hình tại tòa
Phiên tòa công khai. Tại sao ghi âm, ghi hình phải xin phép?

PHIÊN TÒA CÔNG KHAI. TẠI SAO GHI ÂM, GHI HÌNH PHẢI XIN PHÉP?

Gần đây dư luận đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề hạn chế quyền ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, được nêu trong Dự thảo Luật Tổ Chức Tòa Án. Trên các báo như: Thanh Niên, Lao Động, Pháp Luật Thành phồ Hồ Chí Minh… nhiều ý kiến phân tích: quy định như Dự thảo là hạn chế quyền của báo chí..v.v..

Tuy nhiên tính công khai của phiên tòa, quyền ghi âm ghi hình nói chung và quyền ghi âm, ghi hình của người tham gia tố tụng, người khác nói riêng tham dự phiên toà chưa được đề cập. Sau đây xin nêu vấn đề:

1. TÍNH CÔNG KHAI CỦA PHIÊN TÒA

Tính công khai của phiên tòa là nguyên tắc phổ biến trên thế giới (Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966; Công ước châu Âu về quyền con người năm 1950).

Ở Việt Nam tính công khai của phiên tòa được ghi nhận trong Hiến Pháp:

Điều 103… 3. Tòa án nhân dân xét xử công khai .

Ý nghĩa của phiên tòa công khai là nhằm phổ biến, tuyên truyền pháp luật, góp phần giáo dục công dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng quy tắc của cuộc sống xã hội, góp phần bảo đảm sự khách quan, công bằng, cũng như duy trì sự giám sát của nhân dân, góp phần vào quá trình phản biện xã hội,…

Việc cho rằng ghi âm, ghi hình sẽ ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân nên phải hạn chế.  Điều này cần xem lại . Bởi lẽ khi tự đưa vụ việc ra Tòa (các đương sự) hoặc bị đưa ra Tòa (bị cáo) họ phải biết nguyên tắc Tòa xét xử công khai, nên đã tham gia phiên tòa phải chấp nhận tính công khai của phiên tòa. Bị cáo, bị hại, nguyên đơn, bị đơn,… phải chấp nhận việc thông tin liên quan đến mình được công khai.

Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư… thì có thể yêu cầu Tòa Án xét xử kín. Việc này Hiến pháp cũng đã quy định.  Còn người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác, thì tất nhiên phải biết nguyên tắc “xét xử công khai” và họ đâu có lý do gì e ngại việc ghi âm, ghi hình, nếu họ hành xử đúng…?!

2. QUYỀN GHI ÂM, GHI ÂM HÌNH TẠI PHIÊN TÒA

Bản chất của nhà nước ta là  Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, là nhà nước của dân, do dân vì dân.

Bài viết trên trang thông tin của Bộ Tư Pháp: “GS.TS. Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhận định: Tòa án là nơi biểu hiện tập trung tính chất dân chủ và công khai trong hoạt động bảo vệ pháp luật. Ở đó, con người tìm thấy lẽ công bằng, tính nhân đạo, thiện và ác một cách trực tiếp và cụ thể qua các sự kiện pháp lý cụ thể.” (1).

Phiên tòa công khai là nguyên tắc quan trọng của  nhà nước pháp quyền.

Đã công khai thì phải để cho tất cả mọi người được biết. Do đó ghi âm, ghi hình tại PHIÊN TÒA CÔNG KHAI SAO LẠI PHẢI XIN PHÉP (chỉ cần thông báo, để chủ tọa sắp xếp thuận tiện). Nếu quy định việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa (PHẢI XIN PHÉP) thì trường hợp nào cho phép, trường hợp nào không cho phép? Không có quy định rõ ràng, mà do chủ tọa hoặc Hội đồng xét xử quyết định. Việc quy định như vậy vô hình chung đã cho những người này quyền đứng trên Hiến Pháp, đứng trên pháp luật?!

Việc ghi âm, ghi hình giúp cho tính công khai của phiên tòa được phổ biến rộng rãi, ghi nhận chính xác diễn biến, nội dung của phiên tòa. Biên bản phiên tòa do Thư ký ghi khó tránh khỏi không đầy đủ, chính xác! Chứng cứ đâu khi có sự mâu thuẫn giữa nội dung diễn ra trong phiên tòa và bản án.

Ngoài ra việc ghi âm cũng là để bảo vệ cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, khi có người cố ý bịa đặt những nội dung không đúng, để có căn cứ xử lý theo pháp luật. Cũng như để người tham gia tố tụng bảo vệ chính mình. Thực tế đã có trường hợp: luật sư đề nghị được ghi âm (dù việc này không ảnh hưởng đến phiên tòa) không được chủ tọa đồng ý. Hậu quả là diên biến phiên tòa diễn ra khác, biên bản phiên tòa khác, bản án khác …!

Thường người tham gia, tham dự phiên tòa, sử dụng thiết bị ghi âm để trên bàn, trong túi, không làm ảnh hưởng gì đến hoạt động của phiên tòa.

Có ý kiến cho rằng ghi hình làm ảnh hưởng đến tính nghiêm túc của phiên tòa cũng không đúng. Bởi lẽ khi báo chí tác nghiệp đã có khu vực riêng, nếu họ cố ý gây mất trật tự thì chủ tọa dùng quyền điều hành của mình để xử lý. Còn các thành viên trong Hội đồng xét xử, Kiểm Sát Viên hay Luật sư đang chú tâm vào vụ án, thì báo chí cứ việc ghi hình, họ đâu cần “cầu tài” để có hình ảnh đẹp trước truyền thông?!

Nếu có người cố tình lợi dụng việc ghi âm, ghi hình nhằm xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì cứ xử lý họ theo quy định của pháp luật. Đâu cần phải hạn chế quyền hiến định về việc xét xử công khai.

Do đó, việc ghi âm, ghi hình để thể hiện tốt tính công khai của phiên tòa, cần được phát huy hơn nữa. Thay vì hạn chế, Dự thảo nên quy định mỗi phiên tòa đều phải được Tòa Án ghi âm ghi hình (việc này không hề khó và không tốn kém) để phiên tòa diễn ra nghiêm túc, để Công lý được thực thi, pháp chế Xã hội chủ nghĩa được tôn trọng, người tiến hành tố tụng, người tham gia… phải tuân thủ Luật tố tụng, không hành xử, phát ngôn tùy tiện…..Thậm chí, nếu người dân cần, thì có quyền yêu cầu cung cấp các bản ghi đó và phải trả phí nhất định. Đây cũng là nội dung phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin của công dân. Trường hợp ai cố tình làm sai thì xử lý theo pháp luật.

Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa công khai
 

Chú thích:

(1) https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1650

 

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

Translate »